Hoa quả, rau củ là mặt hàng nông sản quan trọng hàng đầu và mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đây còn là thế mạnh vượt trội cũng như là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn và chịu thiệt hại nặng nề do tồn đọng số lượng lớn, không kiếm được nguồn tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Một số doanh nghiệp trồng hoa thậm chí còn phải cắt bỏ, chất chồng để tiêu hủy vì không bán được, gây ra tổn hại nặng nề về kinh tế. Chính vì thế, tỉnh Lâm Đồng hiện đang kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cũng như thực thi các giải pháp để “cứu trợ” cho nông sản.
Tình hình tiêu thụ nông sản toàn tỉnh Lâm Đồng
Thông tin từ Sở Công Thương Lâm Đồng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kết nối, tiêu thụ các nông sản của Lâm Đồng giảm sút dẫn đến tồn đọng một khối lượng hàng hóa lớn. Ước tính hàng triệu cành hoa, hàng trăm tấn hoa quả và rau các loại đến vụ đang cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Tổng sản lượng cần tiêu thụ
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đang canh tác 100ha trồng hoa cúc chùm, 158ha trồng hoa cúc đơn, 208ha trồng hoa hồng, 68ha trồng hoa đồng tiền, 82ha trồng hoa cẩm chướng, 7ha trồng hoa lyly, 22ha trồng hoa cát tường và 16ha trồng hoa salem.
Theo ước tính, sản lượng hoa và các loại quả trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là hơn 100 triệu cành hoa, 130 tấn bơ và mắc ca.
Giá thành trung bình
Cụ thể, 30 triệu cành hoa cúc với giá bán 6.000 đồng/5 cành. Khoảng 40 triệu cành cúc đơn có giá 15 nghìn đồng/10 cành. Có 14 triệu cành hoa hồng với giá 30 nghìn đồng/50 cành. Có 6 triệu cành hoa đồng tiền với giá bán 10 nghìn đồng/20 cành. Ngoài ra còn gồm có 1 triệu cành hoa lyly có giá 30 nghìn đồng/5 cành. 9 triệu cành hoa cẩm chướng giá bán 15 nghìn đồng/20 cành. Khoảng 220.000 kg hoa cát tường bán với giá 30 nghìn đồng/kg. Và khoảng 9.000kg hoa salem với giá 10 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, tỉnh này còn có 30 tấn hạt mắc ca đã đóng gói. Mặt hàng nông sản này có giá 260 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó còn tồn đọng 100 tấn bơ bút cũng cần được hỗ trợ tiêu thụ.. Giá bán 15 nghìn đồng một kg.
Hoa Đà Lạt gặp khó khăn trong đại dịch
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 10.000 ha hoa các loại. Tổng sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm, xuất khẩu ra nước ngoài 370 triệu cành.
Toàn tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, hợp tác xã sản xuất hoa. Địa bàn tỉnh có 2.927 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2.463 ha sản xuất hoa trong nhà kính. Bên cạnh đó, khoảng 170,1 ha sản xuất trong nhà lưới. Có tổng cộng 51 cơ sở nuôi cấy mô. Năng lực sản xuất trên 72,38 triệu cây giống phục vụ sản xuất hoa thương phẩm. Trong đó, TP Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực. Đà Lạt chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.
Ngành sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt là mũi nhọn kinh tế tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, nó đã trở thành thương hiệu của cả nước. Tuy nhiên, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, ngành hoa Đà Lạt gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu hoa trên thị trường giảm. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo giá hoa Đà Lạt sụt giảm mạnh. Thậm chí nhiều nhà vườn phải cắt bỏ hoa vì không có người mua. Lâm Đồng đang cần được chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
“Giải cứu” nông sản Lâm Đồng
Trước tình hình hàng nông sản đang tồn đọng số lượng lớn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã chủ động lên các phương án để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tìm các kênh tiêu thụ uy tín, các siêu thị, điểm bán lẻ… để giảm mức thiệt hại do tồn đọng nông sản.
Tỉnh chủ động làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp tạm thời giúp tiêu thụ trong thời gian này. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh bao nhiêu thì chất lượng sản phẩm là vấn đề đáng quan tâm bấy nhiêu. Bởi vì, chất lượng sản phẩm chính là uy tín của mỗi doanh nghiệp phân phối. Đây cũng như một lời nhắc nhở cho nông sản Lâm Đồng trong lộ trình phát triển bền vững, chất lượng và công nghệ bảo quản sau thu hoạch cần phải ngày càng được nâng cao để đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe của thị trường và nâng tầm thương hiệu nông sản Lâm Đồng.