Do dịch bệnh, nhiều công ty lúa gạo không xuất được hàng tại các bến cảng dù hợp đồng đã được ký kết. Nguồn cung trong nước cũng tăng cao khi ĐBSCL vào vụ thu hoạch hè thu. Các vùng đồng bằng duyên hải Miền Trung cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hiện nay, ngành gạo đang lâm vào thế khó khi bị kìm chân giữa việc thu mua và xuất khẩu.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 390 USD / tấn, thấp nhất trong vòng 16 tháng. Một số công ty cho rằng giá gạo đang bước vào chu kỳ giá thấp trong khi các nước khác trên các nước thế giới đã mua và tích trữ đủ lượng gạo. Do đó, các công ty rất khó có được hợp đồng khi người bán và người mua đều đắn đo trước biến động giá và chi phí vận chuyển.
Giá lúa gạo thấp hơn cùng kỳ gần 100 USD/tấn
Theo thống kê từ Reuters ngày 10.8, giá gạo đồ 5% tấm tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ giảm còn 354 – 358 USD/tấn vào tuần trước; giá gạo 5% tấm Thái Lan tăng nhẹ từ 385 – 408 USD/tấn trong tuần cuối tháng 7, mức thấp nhất kể từ 2 năm qua. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam (VN) không đổi. Giữ ở mức 390 USD/tấn trong tuần trước – mức thấp nhất kể từ tháng 2.2020. So cùng thời điểm này năm ngoái với giá gạo mức trung bình 485 USD/tấn. Gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn.
Ngày 10.8, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL đi ngang sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt. Cụ thể, giá lúa IR50404 được thương lái thu mua từ 4.600 – 5.000 đồng/kg. Lúa OM 9582 giá 4.600 – 4.900 đồng/kg. OM 6976 giá 5.100 – 5.200 đồng/kg. Và ST24 từ 6.100 – 6.200 đồng/kg… So cùng thời điểm vào mùa vụ này năm ngoái, giá lúa mua vào năm nay thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.
Diện tích ruộng lúa chưa được thu hoạch còn khá nhiều
“Câu chuyện cung cầu trong bối cảnh COVID-19 đó là đầu vào và đầu ra đều khó khăn. Lúc này là lúc cầm chừng, người mua không dám kí nhiều, mà người bán cũng vậy”. Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng giám đốc – Tập đoàn Tân Long cho biết. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã kí cũng kẹt lại. Đầu ra xuất khẩu cũng thu hẹp. Trong khi các nhà máy ở ĐBSCL đang hoạt động cầm khoảng 30% công suất vì giãn cách. Việc thu mua lúa của nông dân đang chậm lại.
Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn có sự thống nhất giữa các địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp đi thu mua lúa. Cùng với đẩy nhanh việc giao hàng tại cảng nhằm giải phóng tồn kho. Ước tính, tại ĐBSCL hiện còn 700.000 ha ruộng lúa chưa thu hoạch. Tương đương khoảng 50% diện tích lúa vụ Hè Thu vẫn chưa thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết giá lúa mua vào giảm mạnh do giá gạo thế giới giảm. Lượng lúa tồn kho của các công ty chưa xuất khẩu được rất lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua vào nữa. Công ty ông đang tồn hơn 15.000 tấn lúa do giá thấp quá, không bán được.
Ngành nông nghiệp các tỉnh đang tìm giải pháp tháo gỡ
Trước khó khăn trong tiêu thụ, thu mua lúa, ngành nông nghiệp các tỉnh đang đẩy nhanh giải pháp gỡ khó. Chẳng hạn, Long An đã chỉ đạo các địa phương phải linh hoạt, chủ động về thủ tục. Để tạo điều kiện cho thương lái đến thu mua, vận chuyển nông sản. Trường hợp không có nhân công lao động, máy móc thu hoạch lúa thì ngành nông nghiệp huyện phải tham mưu ngay cho UBND huyện yêu cầu các xã, phường, thị trấn ký giấy xác nhận để người dân trong địa phương đi lại thuận tiện. Ông Đôn nói lúc này nếu ngân hàng cho vay ngoài định mức, cho vay tín chấp thay vì thế chấp, nhiều công ty uy tín trong xuất khẩu gạo có thể tham gia mua giải cứu lúa tại đồng ruộng.