Mặc dù dịp Tết Trung thu đang đến cận kề nhưng thị trường bánh Trung thu năm nay lại có phần yên ắng, ảm đạm hơn trước khi nhiều doanh nghiệp vẫn khá im ắng do tình hình dịch bệnh phức tạp, các chi phí tăng cao ảnh hưởng đến việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ bánh trung thu. Khác với thị trường bánh trung thu truyền thống, các kênh bán hàng trên những trang thương mại điện tử lại có phần sôi nổi hơn hẳn khi hàng loạt các loại bánh trung thu đủ hình dạng, kích thước và mùi vị được “rao bán” rộng rãi. Thế nhưng, nhiều nghi vấn được đặt ra xoay quanh vấn đề chất lượng của những chiếc bánh này bởi phần lớn không có xuất xứ rõ ràng và không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thị trường bánh trung thu hiện nay
Gần 2 tháng trước Tết Trung thu, do tình hình dịch Covid-19, kênh mua bán truyền thống kém sôi động hẳn so với mọi năm. Thay vào đó, “chợ mạng” chiếm ưu thế với các loại bánh trung thu truyền thống. Ngoài ra còn có bánh nhà làm (handmade) sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Giá từ 30.000-150.000 đồng/cái trọng lượng từ 50-180gram hoặc 130.000-150.000 đồng/set gồm 6-8 bánh trung thu mini.
Ngoài các loại bánh trung thu truyền thống, trên thị trường xuất hiện thêm bánh trung thu nhân trứng muối nhập khẩu. Chúng được rao bán với mức giá khá chênh lệch. Một hộp 6 – 8 bánh, giá có nơi lên đến cả 1 triệu đồng/hộp. Có nơi giá chỉ hơn 100.000 đồng/hộp, có nơi lại bán bánh theo trọng lượng… Tuy nhiên, những loại bánh nhập khẩu lại khiến cho người tiêu dùng e ngại. Nhiều người hoài nghi về chất lượng thật sự của chúng.
Cẩn thận với bánh trung thu “xách tay”
Nhiều người bán cam kết hàng “nội địa”, “nguồn gốc rõ ràng”. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh lại ngập ngừng, từ chối. Đáng chú ý, các loại bánh trung thu này khi được rao bán trên “chợ mạng” thường được người bán giới thiệu rất hấp dẫn như “bánh bé bé xinh xinh với lớp vỏ bánh mềm và thơm ngon”, “đủ vị nhân bên trong ngọt ngọt thanh thanh”… và thu hút hàng trăm lượt tương tác của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi người mua hỏi giấy tờ chứng minh về chất lượng và nguồn gốc, người bán thừa nhận do hàng “xách tay” nên chỉ cam kết bằng miệng.
Nhiều chiếc bánh do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài. Thế nhưng, chúng lại không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Hàng loại sản phẩm như thế liên tục được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố kiểm tra, thu giữ.
Mới đây, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa phương. Qua đó phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Tam Dương đáng ngờ. Cơ sở này đang bày bán 128 chiếc bánh trung thu do Trung Quốc sản xuất. Bánh có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên.
Một số lưu ý cho người tiêu dùng
Cận kề dịp Tết Trung thu, nhu cầu mua bánh Trung thu của người dân ngày càng cao. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra. Đồng thời kiểm soát thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm theo mùa vụ này. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Điều này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ở góc độ tiêu dùng, người tiêu dùng cũng cần phải trang bị những kỹ năng mua sắm thông minh. Như thế mới có thể lựa chọn được những chiếc bánh trung thu đảm bảo chất lượng và an toàn. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra những tiêu chí hướng dẫn. Trong đó bao gồm cả việc lựa chọn lẫn bảo quản bánh sao cho đúng cách. Với những hướng dẫn này, người tiêu dùng có thể chọn được bánh ngon, đảm bảo an toàn. Từ đó giúp phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại bánh có xuất xứ rõ ràng. Nên tìm hiểu mua loại bánh có quy trình sản xuất hợp vệ sinh. Đồng thời, cần chú ý nơi sản xuất có được ghi rõ ràng trên bao bì hay không. Kèm theo đó là hướng dẫn sử dụng cũng như cách bảo quản trên bao bì. Nên kiểm tra kỹ trên bao bì ngày, tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng của bánh. Khi chọn mua bánh, người tiêu dùng nên chọn bánh ở các cơ sở uy tín. Hãy ưu tiện chọn những cơ sở đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm… Không nên mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.