Hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu thông qua đường vận tải biển hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Trong số những vấn đề đang gặp phải, nổi cộm và đáng chú ý nhất là chi phí cước vận tải đang ngày càng tăng cao do việc ùn tắc hàng hóa tại cảng khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, đối với những mặt hàng nông sản, áp lực chi phí vận tải tăng nhanh khiến cho một số doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại về chi phí hoặc số khác thì đành “ngậm đắng nuốt cay” bỏ qua cơ hội khai thác các thị trường tiêu thụ quốc tế tiềm năng.
Tổng quan về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam
Ngành xuất nhập khẩu tại Việt Nam đang chịu sự gián đoạn đáng kể do chi phí vận tải biển lên cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh việc thực hiện giãn cách theo quy định của nhà nước, vấn đề cước phí vận tải tàu biển đang là “nút thắt” lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, cước phí vận tải tàu biển quá cao là một thách thức lớn cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới. Nguyên nhân là do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành. Đồng thời còn có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia. Nông sản Việt có thể để mất những thị trường này vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.
Cước vận tải tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng cho biết, cước vận tải thời gian gần lên quá cao. Giá cước từ 500 đến 1000 USD/lần điều chỉnh. Thậm chí tăng đột biến từ 2.000 đến 3.000 USD/lần. Những đợt tăng giá “đột biến” này khiến nhiều doanh nghiệp không thể “trở tay”. Trị giá lô hàng xuất khẩu nông sản không lớn như những mặt hàng khác. Do đó, sự tăng giá vô lý của các chủ tàu khiến nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cũng đành ngậm ngùi để mất, không dám đặt bút ký.
Tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid”, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 9.600 USD/container (40 feet), tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch. Không những thế, chi phí vận chuyển hàng đi New York ở mức cao kỷ lục. Giá cước từ 18.000 – 19.000 USD/container. Mức giá này tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết về việc phải trả thêm “phụ phí” để lấy được container. Tình trạng này đang là vấn đề thường nhật giữa bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Những chi phí phát sinh đó ăn mòn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ đó khiến doanh nghiệp đã khó khăn, mệt mỏi vì dịch bệnh Covid-19 càng mệt mỏi, khó khăn hơn.
Xuất khẩu gạo bị ngưng trệ
Chi phí vận tải biển và ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến cho việc xuất khẩu gạo Việt Nam ra thị trường quốc tế bị ngưng trệ. Cụ thể, Cảng Cát Lái phải phong tỏa khu vực nhận gạo do phát hiện ca F0. Cảng này ngưng giao nhận giao hàng từ tháng 7/2021. Hiện tại vẫn chưa rõ khi nào có thể tiếp tục hoạt động. Lượng container ứ đọng tại cảng lớn. Các tàu hàng buộc phải neo ở phao số 0. Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có cảng nước sâu. Vì vậy, doanh nghiệp không thể đưa hàng lên tàu đúng tiến độ hợp đồng. Tình trạng này dẫn tới lượng hàng tồn kho nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu phạt hợp đồng do không giao hàng đúng theo hợp đồng…
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết họ vẫn có đơn hàng. Thế nhưng, doanh nghiệp lại không thể xuất khẩu đi. Bởi họ không đủ năng lực sản xuất “3 tại chỗ”, không có đủ người vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó là các vấn đề tắc nghẽn hàng tại cảng, tắc nghẽn tàu. Nguyên nhân do phát hiện có ca F0 tại cảng. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách để chống dịch.
Các doanh nghiệp cũng phản ánh, việc xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm là thách thức lớn. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, giá cước tàu biển và container tăng cao. Điều này khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn, cần được hỗ trợ.
Một số giải pháp được đề nghị
VFA đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cùng các cơ quan chức năng có biện pháp cấp bách. Theo đó, cần có giải pháp mở luồng xanh cho vận tải đường thủy. Vùng ĐBSCL có đặc thù kênh rạch chằng chịt. Lúa gạo sản xuất ở đây được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ. Do đó, đối với việc xuất khẩu gạo, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở rất cần thiết. Nó sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, họ có thể duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.
VFA cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistics phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.