Kể từ khi dịch bùng phát lần đầu tiên bệnh tay – chân – miệng đã trở thành bệnh thường gặp đối với trẻ nhỏ. Bệnh dễ dàng lây truyền từ người sang người nên tốc độ lây lan rất nhanh. Môi trường tập trung nhiều trẻ nhỏ cũng là một trong những điều kiện thuận lợi khiến cho bệnh này dễ dàng lây lan. Một khi trẻ nhiễm bệnh và không được thăm khám kịp thời thì sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ. Để giúp cho các bậc phụ huynh có đầy đủ kiến thức trong việc phòng và điều trị bệnh cho các bé, chúng tôi đã tổng hợp một bài viết về bệnh tay- chân – miệng.
Bệnh tay – chân – miệng là bệnh gì?
Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12.
Nguồn lây của bệnh ở trẻ
Đây là một bệnh dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Sốt thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đầu tiên virus thường cư trú ở niêm mạc má hay niêm mạc hồi tràng và sau 24 giờ, virus lan đến các hạch bạch huyết vùng. Vào ngày thứ 7 sau khi nhiễm bệnh, kháng thể trung hòa tăng cao và virus bị thải loại.
Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng virus khác gây nên.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh tay – chân – miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da và loét niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật…
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.
Phương pháp điều trị cho trẻ mắc bệnh
Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
– Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,50C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
– Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).
– Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm…
– Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
– Khi có triệu chứng não – màng não: cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital. Chuyển lên tuyến trên điều trị chuyên sâu.
Các biện pháp phòng ngừa
Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
– Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
– Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
– Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.
– Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
– Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
Kết luận
Các bậc phụ huynh cần có đầy đủ kiến thức về bệnh lý này để có thể phòng và chăm sóc cho bé hiệu quả. Những bệnh thông thường đều có thể trở thành nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm. Thâm chí là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sau này. Mong rằng những thông tin chúng tôi tổng hợp trong bài sẽ hữu ích đối với bạn.